MULLET – Kiểu tóc phi giới tính và những điều có thể bạn chưa biết!

Từ văn hóa queer (văn hóa đồng tính) cho đến haute couture, mullet là hiện thân đối nghịch của vẻ đẹp và thẩm mỹ truyền thống.

Đăng trong Xu hướng | 15/04/2023
Chia sẻ:

Business in the Front, Party in the Back” – Một cụm từ quen thuộc mỗi khi ai đó nhắc đến Mullet với phần trước được để gọn gàng như doanh nhân, nhưng phần sau lại tự do phóng khoáng như kiểu tóc cho các bữa tiệc tùng. Mặc dù trong ký ức của nhiều người, kiểu tóc Mullet khiến họ đặc biệt gợi nhớ đến những năm 1980. Nhưng thực sự lịch sử của kiểu tóc này đã có từ rất lâu đời.

Lịch sử cổ đại

Homer – Một nhà thơ vào thời Hy Lạp cổ đã mô tả Abantes, một nhóm lính cầm giáo tham chiến với phần tóc trên đỉnh được cắt ngắn, và để dài ở phía sau. Các nhà sử học đặt nghi vấn rằng: người tiền sử đã nhận thấy lợi ích thiết thực của việc cắt tóc mái, để tóc không vướng vào mắt họ, trong khi phần tóc phía sau gáy được nuôi dài sẽ giúp giữ ấm cổ và tránh được mưa. Thật vậy, nếu nhìn kỹ nhiều bức tượng Hy Lạp có niên đại từ thế kỷ thứ VI trước Công nguyên, đều cho thấy bóng dáng của kiểu tóc này. Đó cũng một là minh chứng cho việc: “Mullet là sự khởi đầu của văn hoá phương Tây”. Sau đó, vào thế kỷ XVI, những chiến binh Hittite đã để kiểu tóc này cùng với người Assyria và Ai Cập. Kiểu tóc Mullet giúp các binh sĩ tránh việc được bị túm tóc trong lúc giao chiến, đồng thời phù hợp để đội những chiếc mũ giáp khi chiến tranh.

 

Thế kỷ 19

Ở Hoa Kỳ, các bộ lạc người Mỹ bản địa thường để kiểu tóc kết hợp giữa Mullet và Mohawk. Đối với họ, mullet-hawk như một hành động nổi loạn chống lại việc buộc phải di dời quê hương, phong cách này đã được duy trì như một dấu hiệu của sức mạnh tinh thần, nó bất chấp những áp lực đến từ các nhà truyền giáo Cơ đốc, dù cho ở thời điểm đó sự căng thẳng giữa các cộng đồng đang lên cao. Và chúng ta cũng không thể quên đi hình ảnh của tổng thống Benjamin Franklin, ông để kiểu tóc Skullet với phần đầu được cạo trọc và để dài phía sau – mang dáng hình gần giống với kiểu tóc Mullet hiện tại. Ông cho rằng với vẻ ngoài như thế sẽ thu hút Pháp trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính và ngoại giao với Mỹ.

 

 

Thế kỷ 20

Mullet không thịnh hành trong nửa đầu thế kỷ 20, khi mà sự quy chuẩn đã dẫn lối cho những kiểu tóc với đường cắt sắc nét và thiết thực hơn cho cả nam và nữ giới. Nhưng điều đó đã bắt đầu thay đổi vào những năm 1960, khi các phong trào phản văn hóa thể hiện khuynh hướng chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống trong chính cách ăn mặc của họ. Những chàng trai để tóc dài đã trở nên phổ biến. Trong văn hóa đại chúng những năm 70, mái tóc ấn tượng này vẫn chưa có tên chính thức nhưng mọi người lại biết đến kiểu tóc này là điểm đặc trưng của nhân vật Ziggy Stardust do ca sĩ nhạc rock David Bowie thủ vai vào năm 1973. Đối với David Bowie, Mullet có nghĩa là riêng biệt và gắn liền với phong cách, hình ảnh ông. Những năm 70 là thập kỷ vô cùng khó khăn do khủng hoảng khí đốt và tai nạn hạt nhân Three Mile Island. Theo nhà sử học về tóc – Janet Stephens, mái tóc của David Bowie là kiểu tóc song tính mang đậm tính cực đoan, khi kết hợp kiểu tóc của nam (tóc ngắn) và nữ (phần phía sau dài) trên cùng một tổng thể. Đây cũng là dấu hiệu le lói đầu tiên trong việc đứng lên đấu tranh cho ranh giới về giới tính và nhân tính.

Dù bạn đứng ở đâu trong vấn đề này, thì những năm 1980 đã bắt đầu xuất hiện sự rõ ràng. Trong thập kỷ của sự suy đồi, Mullet tôn trọng vẻ nam tính alpha mà chúng ta thấy trên màn ảnh, như Patrick Swayze trong Dirty Dancing, MTV, WWF Wrestling,… tất cả đều tranh giành chỗ đứng trong trái tim và khối óc của những thanh thiếu niên đang trong độ tuổi dễ bị ảnh hưởng. Ngay lập tức, Mullet đã được các ngôi sao áp dụng rộng rãi trong tất cả các thể loại âm nhạc, từ sự ra đời của ‘hair metal’ cho đến những bản nhạc dân ca và Americana.

Mãi cho đến năm 1994, kiểu tóc này mới có cái tên chính thức khi được nhắc đến qua ca khúc “Mullet Head” trong album “Ill Communication” của nhóm nhạc Beastie Boys. Họ tạo cơn sốt với với câu hát:

“You wanna know what’s a mullet? (Bạn có muốn biết Mullet là gì không?)

Well I got a little story to tell (Tôi có một câu chuyện nhỏ muốn kể)

About a hairstyle, that’s a way of life (Về một kiểu tóc, đó là một cách sống)

Nhóm nhạc đã không giải thích về thuật ngữ này, nhưng bằng cách nào đó họ đã minh họa nó: gu thẩm mỹ của tầng lớp lao động thích tiệc tùng, lái những chiếc xe mui trần, chấp nhận lối sống đơn giản và hoàn toàn kiểu Mỹ. Chúng ta có thể nhìn thấy hình ảnh rõ nét nhất từ Jerry Seinfeld đến Brad Pitt, hay Joan Jett và Jane Fonda. Không thể phủ nhận rằng Mullet có thể tiếp cận được với bất kỳ ai chọn mặc nó. Và cuối cùng, từ điển Oxford đã dùng từ Mullet để đặc tả phong cách tóc đặc biệt này. 

Bẵng đi một thời gian, người ta dần quên đi về mullet. Chẳng còn được lăng xê bởi những nhân vật của công chúng, mullet trở thành một thứ gì đó xấu xí hay thậm chí luộm thuộm, thiếu tinh tế trong pop culture. Mullet luôn được nhắc đến một cách đầy châm biếm và trở thành một điều cấm kỵ trong thời trang. Chỉ có những kẻ dị hợm chẳng giống ai và chẳng có gu thẩm mỹ mới để kiểu tóc kỳ cục như thế. Người người nhà nhà quay lưng lại với mullet và sẵn sàng bàn tán, chế giễu bất kỳ ai để mullet. Nhưng cũng chính kiểu tóc này đã trở thành một biểu tượng mới với giới mộ điệu trong những năm đầu của thập niên 2020, khi người ta không ngừng nói về sự trỗi dậy của mullet trong những hình hài, những biến thể mới, sự trỗi dậy của “the modern mullet”. Vẫn trong hình thù trước ngắn sau dài quen thuộc, mullet trong những phiên bản hiện đại có chút tiết chế hơn khi đi cùng với nhiều lớp layer để tạo chuyển động tự nhiên, cùng thật nhiều kết cấu hay cũng có thể đi chung với phần mái dài, để tạo nên một tổng thể lộn xộn nhưng có chủ đích. 

Mullet luôn nằm ở lằn ranh giữa ngắn và dài. Có lẽ, độ dài có phần nào đó “gây nhức nhối” cho thị giác cũng chính là lí do tại sao mullet lại có khả năng tạo ra những phản ứng mạnh mẽ đến vậy. Tân tiến hay lỗi thời, nam tính hay nữ tính, táo bạo hay nửa mùa, mullet cùng với khả năng “thiên biến vạn hóa” của mình, chẳng bao giờ chịu chỉ là một thứ. Nếu như việc mullet không chịu khuất phục bị phân loại, bị cho vào một khuôn khổ xác định khiến nhiều người cảm thấy “bất ổn”, thì đối với một phần (đông) nào đó ngoài kia, đây chính là những gì mà họ đang kiếm tìm, đặc biệt là trong bối cảnh khi những định kiến về giới đang dần được xóa bỏ, khi các phong trào đấu tranh cho nữ quyền và đồng tính càng ngày càng có vị thế, và càng nhiều người “vỡ ra” rằng, quần áo hay đầu tóc thực ra đâu có giới tính.

Chia sẻ: